Ngày 5/4/2019, trình bày trước cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính ASEAN, HSBC đã đệ trình một số kiến nghị nhằm giúp Đông Nam Á có thể thu hút đầu tư tư nhân tốt hơn đối với các dự án cơ sở hạ tầng mang tính bền vững cả về mặt kinh tế và môi trường.
Các kiến nghị đưa ra nhằm ứng phó tình hình biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng lên khu vực cũng như nhu cầu đầu tư tư nhân ngày càng tăng để thu hẹp sự thiếu hụt vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, trong bộ tài liệu đệ trình có tiêu đề: “Đầu tư hạ tầng bền vững tại ASEAN”, HSBC đưa ra 3 kiến nghị nhằm thu hút đầu tư tư nhân trong việc phát triển bền vững cơ sở hạ tầng tại khu vực.

Thứ nhất, kiến nghị phát hành “Báo cáo triển khai cơ sở hạ tầng bền vững” thường niên. Hiện tại, chưa có một báo cáo nào riêng biệt, chuyên sâu, mang tính chuẩn hóa và được công nhận để các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các ngân hàng phát triển và khu vực tư nhân có thể dùng làm căn cứ để đánh giá tiến trình thực hiện cũng như xác định các cơ hội phát triển khu vực ASEAN.
Bản báo cáo này cần cung cấp một số thông tin như: Danh sách chia sẻ các kinh nghiệm và sáng kiến mà các quốc gia và các thành phố có thể cân nhắc áp dụng để mở rộng thu hút tài trợ các dự án hạ tầng bền vững; Báo cáo tiến độ định kỳ về môi trường đầu tư cũng như nỗ lực của các nước thành viên ASEAN trong việc khuyến khích đầu tư hạ tầng bền vững; Các đề nghị liên quan đến cách thức giúp thu hút đầu tư vào hạ tầng bền vững dựa trên các thước đo cụ thể và phản hồi từ các bên liên quan trong chính phủ, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân.
Thứ hai, kiến nghị xây dựng một mạng lưới cơ sở hạ tầng thành thị ASEAN. Dựa trên mạng lưới Thành phố Thông minh của ASEAN, mạng lưới cơ sở hạ tầng thành thị ASEAN giúp cung cấp năng lực xây dựng cho các nhà lãnh đạo thành phố và lãnh đạo khu vực công, từ đó họ được trang bị tốt hơn để làm việc với khối tư nhân trong việc phát triển các dự án hạ tầng bền vững có khả năng hợp tác với các ngân hàng.
Mạng lưới này có thể tập trung vào các vấn đề như: Phát triển các bộ công cụ (biểu mẫu, mô hình, các nguồn tài nguyên hỗ trợ) dành cho các cán bộ viên chức sử dụng khi họ phát triển các dự án hạ tầng bền vững; Các buổi đào tạo trực tiếp hoặc trực tuyến dành cho các các bộ viên chức về các chủ đề chính liên quan cơ sở hạ tầng bền vững, được phát triển dựa trên các chương trình đào tạo hiện có; Tổ chức Hội nghị thường niên các nhà lãnh đạo cơ sở hạ tầng Thành phố Thông minh cho các cán bộ viên chức tại các nước ASEAN nhằm kết nối và chia sẻ kinh nghiệm.
Thứ ba, kiến nghị phát triển Bộ công cụ tài chính chiến lược nhằm huy động nguồn vốn tư nhân tại ASEAN. Bộ công cụ tài chính này nhằm: Giúp chuẩn hóa các công cụ giúp giải quyết các rủi ro thường xảy ra liên quan đến các dự án hạ tầng bền vững cũng như đáp ứng được các yêu cầu của các nguồn tài trợ khác nhau cho các dự án đầu tư; Làm việc với các ngành và các ngân hàng phát triển nhằm giới thiệu cách thức tiếp cận tài chính chiến lược nhằm kêu gọi trên diện rộng hơn các nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi ích đầu tư trong dài hạn; Làm việc với các ngân hàng phát triển quốc gia và quốc tế nhằm xây dựng các tiện ích và chương trình tập trung cho ASEAN.
“Giải quyết các thách thức về môi trường không còn đơn thuần ở phạm vi đạo đức mà còn nằm ở khía cạnh kinh tế. Phát triển cơ sở hạ tầng gắn với phát triển bền vững sử dụng đầu tư từ khu vực tư nhân và khu vực công là cách duy nhất giúp ASEAN giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu gây ra đối với các nền kinh tế trong khu vực này. Chúng tôi hy vọng những kiến nghị này là sự đóng góp hữu ích nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu trong dài hạn”, Mukthar Hussain, Giám đốc các Hành lang thương mại khu vực châu Á Thái Bình Dương của HSBC cho biết.
Theo Thoibaonganhang.vn