Công ty cổ phần kinh doanh thiết bị vật tư Ngân Hàng BEMB since 2004

Chính phủ điện tử ngành Ngân hàng: Ai được lợi?

Ngày 27/2, Thống đốc NHNN đã Quyết định số 333/QĐ-NHNN về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử ngành Ngân hàng (Ban Chỉ đạo). 
Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và có nhiệm vụ chỉ đạo việc xây dựng, triển khai các chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách của Chính phủ về thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai Chính phủ điện tử trong ngành Ngân hàng; Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong ngành Ngân hàng triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử…
[IMG] Ảnh minh họa
Một diễn biến khác, hôm 25/2 BIDV và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ký kết Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2019 – 2024. Thời gian qua, không chỉ BIDV, nhiều NHTM khác đã, đang hợp tác với nhiều bệnh viện, trường học, các đơn vị cung cấp dịch vụ công khác.
Theo số liệu cuối năm 2018, hiện đã có 50 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với thuế, hải quan, trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước; 27 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc; 26 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh, thành phố; 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường đại học; 6 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí tại các bệnh viện lớn; 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội…
Những con số trên phần nào cho thấy ngành Ngân hàng đã, đang rất tích cực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử ngành Ngân hàng. Tất nhiên, để đạt được những yêu cầu theo Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử thì còn nhiều việc phải làm. Còn nhớ, ngay từ năm 2016 NHNN đã ban hành Kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử tại NHNN theo Nghị quyết 36a của Chính phủ (Quyết định 1a/QĐ-NHNN ngày 4/1/2016). Nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong kế hoạch này là tập trung ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ hành chính công cho người dân và DN, xây dựng môi trường làm việc điện tử trong nội bộ các đơn vị thuộc NHNN.
Những năm gần hoạt động cải cách hành chính được NHNN đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đóng góp tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh của cả nước.
Từ tháng 12/2018, NHNN đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2019. Cùng với đó, toàn Ngành thực hiện nhiều giải pháp nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Những hoạt động này đã, đang mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và cả ngân hàng. Chắc chắn tới đây việc hợp tác giữa ngân hàng với các đơn vị cung cấp dịch vụ công sẽ gia tăng hơn nữa.
Bởi theo yêu cầu tại Nghị Quyết 02, trước tháng 12/2019, 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện… bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.
Thực tế cho thấy, sự hợp tác giữa ngân hàng với các đơn vị cung ứng dịch vụ công đã mang đến cải tiến đột phá trong cung ứng dịch vụ của hai bên và “đối tác” được hưởng lợi nhiều nhất chính là người dân. Nói như TS. Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và minh bạch các giao dịch tài chính tại các đơn vị cung cấp dịch vụ công.
Đồng thời, tiết kiệm NSNN trong việc đầu tư cơ sở bàn quầy giao dịch thu tiền cũng như việc bố trí nhân sự tại các đơn vị. Việc thanh toán dịch vụ qua ngân hàng giúp tăng sự lưu chuyển tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc rút ngắn thời gian luân chuyển vốn qua các hệ thống thanh toán, qua đó góp phần tăng hiệu suất sử dụng vốn cải thiện tính hiệu quả, tăng thêm sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Theo Thoibaonganhang.vn
Chia sẻ với mọi người / Share
RSS
Follow by Email
Facebook
Twitter
Giỏ hàng
Gọi ngay
EnglishVietnamese